Pháp được biết đến là cái nôi đào tạo hàng đầu cho khối ngành Y – Dược. Mỗi năm Pháp cung ứng 5000-8000 giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ đầu ngành chất lượng cao. Với chương trình đào tạo chất lượng và bằng cấp được công nhận và đánh giá cao, học Y khoa tại Pháp trở thành ước mơ của phần lớn các sinh viên Y khoa trên toàn thế giới. Trong bài viết này, VFE – Vietnam France Exchange sẽ đem tới cho các bạn những thông tin chi tiết về nhóm ngành này!
1. CÁC NHÓM CHUYÊN NGÀNH Y DƯỢC CHÍNH TẠI PHÁP
Du học sinh tại Pháp khi theo học ngành Y – Dược sẽ được chia làm 4 nhóm chuyên ngành chính: Y khoa – Dược – Sản khoa – Nha khoa. Thời gian đào tạo của mỗi chuyên ngành sẽ khác nhau, chính vì vậy mà bằng cấp của mỗi ngành cũng sẽ có sự khác nhau về số năm học, cụ thể như sau:
- Sản phụ khoa: BAC +5
- Dược: BAC +6 đến BAC +9
- Bác sĩ phẫu thuật – Nha sĩ: BAC +6 đến BAC+9
- Bác sĩ đa khoa: BAC +9
- Bác sĩ chuyên khoa: BAC +11
2. QUY TRÌNH ỨNG TUYỂN NGÀNH Y DƯỢC TẠI PHÁP
Trước đây, đối với các sinh viên nằm ngoài khối chung châu Âu, dù bạn ở bất kỳ trình độ nào cũng sẽ phải trải qua năm học chung thứ nhất gọi là năm PACES. Trong năm học chung này, sinh viên sẽ được học các kiến thức chuyên sâu về cơ thể con người, tiếp cận những môn học mới liên quan đến sức khỏe và chăm sóc sức khỏe. Kết thúc năm PACES, các sinh viên phải trải qua một kì thi sàng lọc để ứng tuyển vào chuyên ngành Y – Dược mong muốn.
Kể từ 2020, kì thi PACES đã được thay thế bằng hai chương trình mới: PASS (Parcours d’accès spécifique santé) và L.AS (Licence + Option Accès Santé).
L.AS – CHƯƠNG TRÌNH CỬ NHÂN THEO ĐỊNH HƯỚNG
PASS – CHƯƠNG TRÌNH CỬ NHÂN CHUYÊN BIỆT
PASS(Parcours Accès Santé Spécifique) được tổ chức tại các Đại học Tổng hợp có khoa Y – Dược tại Pháp. Sau khi tốt nghiệp THPT, thí sinh sẽ dự tuyển thẳng vào ngành Y – Dược (PASS). Khi theo học chương trình PASS, sinh viên bắt buộc phải lựa chọn một chuyên ngành phụ phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình như Luật, Sinh học, Ngôn ngữ…
Nếu hoàn thành Năm thứ nhất của PASS, sinh viên có thể dự tuyển vào các chuyên ngành Y – Dược mong muốn (Sản phụ khoa, Y khoa, Nha khoa, Dược). Nếu không được chấp nhận vào chuyên ngành Y – Dược mong muốn, sinh viên có thể học tiếp lên Năm thứ hai Cử nhân (L2) ứng với chuyên ngành phụ đã lựa chọn và ứng tuyển lại sau ít nhất một năm.
Lưu ý: Trường hợp không vượt qua được Năm thứ nhất của chương trình PASS, sinh viên sẽ không thể dự tuyển vào Y – Dược và cũng không thể học lại năm học này.
SỰ TƯƠNG ĐỒNG GIỮA PASS VÀ PACE?
3. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TỪNG NHÓM CHUYÊN NGÀNH Y DƯỢC TẠI PHÁP
Y KHOA – BÁC SĨ ĐA KHOA/CHUYÊN KHOA
- Năm 1: PASS
- Năm 2 và 3: Học kiến thức chuyên sâu, thực hành, nghiên cứu có hướng dẫn và thực tập. Sau năm PASS, sinh viên sẽ trải qua kì thực tập đầu tiên, thường là ở mảng điều dưỡng. Sau năm thứ 3, sinh viên sẽ có chứng chỉ đào tạo phổ thông y học (DFGSM – Diplôme de Formation Générale en Sciences Médicales) và được công nhận trình độ tương đương Cử nhân đại học (Licence).
- Năm 4, 5, 6: Ba năm ngoại trú. Ba năm này giúp sinh viên chuẩn bị sẵn sàng cho kì thi xếp hạng quốc gia ECN, chìa khóa để bước vào kì nội trú. Sinh viên sẽ trải qua một nửa thời gian trong ngày ở bệnh viện để thực tập, nửa còn lại ở giảng đường. Kết thúc năm thứ 6, sinh viên sẽ có chứng chỉ đào tạo y học chuyên sâu (Diplôme de Formation Approfondie en Sciences Médicales) và trình độ tương đương bậc Thạc sĩ (Master).
- Sau năm thứ 6, sinh viên phải trải qua kì thi xếp hạng quốc gia ECN để chọn chuyên ngành hẹp cho mình. Những sinh viên thứ hạng cao sẽ dễ chọn được chuyên ngành theo mong muốn. Sau đó, sinh viên sẽ bước vào kì nội trú, thường sẽ kéo dài từ 3-5 năm. Để tốt nghiệp bác sĩ y khoa, sinh viên phải vượt qua 6 kì thực tập nội trú và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp.
DƯỢC
- Năm 1: PASS
- Năm 2 và 3: Kiến thức nền tảng (sinh hóa, sinh học, nhiễm trùng…), thực hành về vi khuẩn, hóa học… và thực tập bắt buộc tại các hiệu thuốc. Sau năm 3, sinh viên đạt trình độ tương đương Cử nhân (Licence).
- Sau năm 3, sinh viên có quyền chọn học các học phần khác nhau như Dược học (1 năm), Công nghiệp học (1 năm), Chuẩn bị cho hệ nội trú (4 năm). Các học phần này sẽ được học sau năm thứ 5.
- Sau năm thứ 6, sinh viên được cấp chứng chỉ đào tạo chuyên sâu về dược, tương đương trình độ Thạc sĩ và tiếp tục học theo chương trình đã chọn.
NHA KHOA
- Năm 1: PACES
- Năm 2 và 3: Các môn học nền tảng như giải phẫu, lâm sàng… và các môn thuộc chuyên ngành nha khoa với ⅔ thời gian học là thực hành về ống tủy và cấu trúc răng. Sau năm thứ 3, sinh viên đạt trình độ tương đương Cử nhân đại học (Licence).
- Năm 4 và 5: Hai năm tiền lâm sàng, sinh viên phải áp dụng kiến thức đã học vào điều kiện chăm sóc thực tế tại trung tâm chăm sóc, trung tâm bệnh viện đại học (CHU), phòng khám nha khoa/ dịch vụ trong bệnh viện,… Kết thúc năm thứ 5, sinh viên sẽ có chứng chỉ đào tạo chuyên sâu về nha khoa, tương đương trình độ Thạc sĩ.
- Sau năm thứ 5, sinh viên có thể chuẩn bị 1 năm để đi làm nha sĩ, hoặc học thêm 3-4 năm nội trú để trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nha khoa như nhổ răng, niềng, xử lý răng…
SẢN KHOA – HỘ SINH
- Năm 1: PASS
- Năm 2, 3, 4: Lý thuyết giải phẫu, phôi, sản khoa, nhi khoa, sơ sinh… Có các kì thực tập ngắn hạn trong 2 năm học này. Kết thúc năm 3, sinh viên sẽ có trình độ tương đương Cử nhân đại học (Licence).
- Đến năm thứ 5, sinh viên sẽ có kỳ thực tập 6 tháng tại bệnh viện, phòng khám hoặc phòng nghiên cứu. Kết thúc năm thứ 5, sinh viên sẽ được nhận chứng chỉ đào tạo chuyên sâu ngành Hộ sinh, tương đương trình độ Thạc sĩ.
4. CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO Y KHOA CHUYÊN NGÀNH DFMS – DFMSA DÀNH CHO BÁC SĨ, DƯỢC SĨ NƯỚC NGOÀI TẠI PHÁP
ĐIỀU KIỆN
- Y khoa chuyên ngành (DFMS), ứng viên phải đang học chuyên khoa y, dược (Nội trú, Chuyên khoa 1, Cao học tại Việt Nam). Chỉ những ứng viên, trong chương trình học chuyên khoa tại Việt Nam, còn ít nhất 2 kỳ học lâm sàng tính đến ngày 01/11/2020 mới đủ điều kiện đăng ký DFMS.
- Y khoa chuyên ngành nâng cao (DFMSA), ứng viên phải có bằng chuyên khoa y, dược (Nội trú, Chuyên khoa 1, Cao học Việt Nam), cho phép hành nghề chuyên khoa tại Việt Nam hoặc tại nước được cấp bằng.
QUY TRÌNH, THỜI HẠN XÉT TUYỂN
- Ứng viên gửi 01 bộ hồ sơ dự tuyển, điền đầy đủ thông tin cùng bản photo có công chứng các văn bằng được yêu cầu về Bộ phận hợp tác văn hóa, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam (57 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hồ sơ nộp trước ngày 15/01 ghi rõ: Hồ sơ đăng ký DFMS/DFMSA. Trường hợp gửi hồ sơ qua bưu điện, thời hạn nộp hồ sơ được tính theo dấu bưu điện.
- Các ứng viên sẽ được Đại học Strasbourg thông báo trực tiếp kết quả xét tuyển hồ sơ số 1 và hướng dẫn làm hồ sơ số 2. Hồ sơ 2 đăng ký vào các trường y của Pháp phải gửi cho Đại học Strasbourg trước ngày 15/4.
Kết quả tuyển chọn chính thức sẽ được công bố vào tháng 7. Các bác sĩ được xét tuyển sẽ bắt đầu học tập và làm việc như bác sĩ nội trú bệnh viện tại Pháp từ ngày 02/11. Tải hồ sơ ứng viên tại trang web của trường Đại học Y Strasbourg tại đây.
Lưu ý: Thời hạn có thể được điều chỉnh vài ngày mỗi năm!
TRÌNH ĐỘ YÊU CẦU
Các ứng viên được tiếp tục làm hồ sơ 2 phải có trình độ tiếng Pháp B2 và phải nộp chứng chỉ tiếng Pháp Delf B2 hoặc TCF tương đương trong hồ sơ 2.
5. CÁC BƯỚC HOÀN TẤT HỒ SƠ CAMPUS FRANCE CHO ỨNG VIÊN ĐÃ ĐỖ DFMS/DFMSA
BƯỚC 1: TẠO HỒ SƠ CÁ NHÂN
Việc đầu tiên bạn cần làm là mở tài khoản trên trang điện tử của Campus France, và nhận lại mã số đăng nhập (Identifiant). Bạn lưu ý ghi chú lại số này cùng với mất khẩu mà bạn đặt để dễ dàng cho việc đăng nhập sau này, cũng như để tiện cho việc liên hệ với Campus France khi bạn gặp khó khăn hay trục trặc trong khi trình hồ sơ du học.
BƯỚC 2: ĐIỀN HỒ SƠ
BƯỚC 3: ĐẶT HẸN PHỎNG VẤN VỚI CAMPUS FRANCE
- Tại Hà Nội : hanoi@campusfrance.org
- Tại TP. Hồ Chí Minh : hochiminh@campusfrance.org
- Chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu (bản gốc, không cần dịch công chứng)
- Bằng đại học Y khoa hoặc Dược sĩ đối với DFMS (bản gốc + bản dịch tiếng Pháp)
- Bằng Chuyên khoa y hoặc Chuyên khoa dược đối với DFMSA (bản gốc và bản dịch tiếng Pháp)
- Bản thỏa thuận ký giữa học viên và trường đại học tiếp nhận (bản nhận được từ trường)
- Giấy thông báo trúng tuyển của Trường đại học Strasbourg (bản nhận được từ trường)
BƯỚC 4: NỘP HỒ SƠ XIN VISA
Xem danh sách các giấy tờ của hồ sơ Visa sinh viên dài hạn VLS-TS trên trang web của Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội hoặc Lãnh sự quán Pháp tại TP. Hồ Chí Minh, đặt hẹn với phòng visa để nộp hồ sơ.
Tìm hiểu thêm: Du học Pháp ngành Điều dưỡng
Block "”cuoibaiviet”" not found
Biên tập viên
Bài viết mới
- Chia sẻ kiến thức16 Tháng mười, 2024[Chính thức] Điều chỉnh mức PHÍ GHI DANH năm học 2024-2025 tại các cơ sở đào tạo công lập ở Pháp!
- Chia sẻ kiến thức1 Tháng mười, 2024Du học Pháp cần biết gì về trường Excelia Business School tại Pháp
- Chia sẻ kiến thức17 Tháng chín, 2024Tìm hiểu về Viện Đá quý Quốc gia Institut National de Gemmologie
- Chia sẻ kiến thức30 Tháng tám, 2024Éva Santé – Trung tâm đào tạo: sức khỏe, xã hội và trẻ em tại Pháp